NHỮNG THỬ THÁCH KHẨN CẤP CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

Bài 1: Đối thủ đang “giật” đơn hàng của Việt Nam

Chưa bao giờ ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn như hiện nay khi công nhân bị ngưng việc, đơn đặt hàng cho các tháng tới đây vẫn chưa có.

May mặc Việt Nam chưa bao giờ khó thế!

Không chút cường điệu hay bi kịch hóa, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói tại cuộc họp sơ kết quí 1 của 20 hiệp hội doanh nghiệp các ngành kinh tế: “Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Đơn hàng giảm từ quí 3, rồi quí 4/2022, tiếp tục đến quí 1/2023 và còn đang giảm tiếp. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.

Ông Giang kể tiếp, tình hình chung thị trường thế giới rất khó. Khi ông tham dự một diễn đàn các nhà phân phối do Kmart tổ chức ở Úc, nghe họ yêu cầu mà phát hoảng rằng, sắp tới đây, muốn bán được hàng, chất lượng phải dẫn đầu, giá phải giảm và phải tuân thủ “xanh hoá” đúng chuẩn phát triển bền vững.

Nhà phân phối Kmart còn chia sẻ thêm rằng, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như LG, Samsung đều có những công ty dệt may đi đầu trong cạnh tranh công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất tiên tiến. Tại các hội chợ lớn về dệt may, thời trang diễn ra ở Hàn Quốc thì nhà nước cam kết đầu tư 50%, chính quyền địa phương 40%, còn lại 10% là do doanh nghiệp. Hiệp hội ngành hàng lớn đến đâu nhưng không thể so với vai trò chính của Nhà nước trong cuộc cạnh tranh sống còn về công nghệ mới.

Chưa bao giờ ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ảnh: Nam Khánh

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM tại cuộc họp tổng kết quý 1 tuyên bố chắc nịch: “Chúng tôi làm dệt may nhưng đã cùng hứa với nhau, tình hình tới nông nỗi này nhất định không lời nào về “thời trang” nữa”. Từ “thời trang” được ông hàm ý ngược lại là “than trời”.

Những lời than trên của các vị chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cho thấy ngành dệt may chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Công nhân bị ngưng việc, nhà máy tìm mọi cách san sẻ cho mọi người cùng sống sót, tồn tại chứ chưa nói làm ăn có lợi nhuận.

Đối thủ đang “giật” đơn hàng của Việt Nam

Người trong lĩnh vực may mặc ở Việt Nam đang rỉ tai nhau một cái tên là đối thủ cạnh tranh khốc liệt: Bangladesh.

Thật vậy, tìm hiểu về Bangladesh ngày nay mới thấy họ đã khác xưa rất nhiều. Tạp chí The Economist cho rằng năm 2023 là thời điểm tốt để ăn mừng cho nền kinh tế của Bangladesh. Đã qua rồi ấn tượng kinh hoàng từ các vụ “bóc lột lao động trẻ em” hay những vụ thảm họa cháy nổ khiến nhiều người thiệt mạng ở nước này.

Cách đây không lâu, Bangladesh gây chấn động cả thế giới khi xảy ra hai thảm họa tai nạn công nghiệp kinh hoàng. Năm 2012 và 2013, nhà máy Tazreen bốc cháy khiến 112 công nhân thiệt mạng và tòa nhà Rana Plaza bị sập khiến 1.134 công nhân thiệt mạng. 

Những thảm kịch đó đã làm rung chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng khiến từ chính phủ, các cơ quan phát triển quốc tế, khách hàng nhập khẩu hàng của Bangladesh cho đến các chủ nhà máy, tổ chức đại diện công nhân, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thương mại đều tập hợp lại với nhau cùng giải quyết.

Giờ đây, ngành may mặc Bangladesh hiện có khoảng 4.000 nhà máy đang hoạt động, sử dụng 4,4 triệu lao động, trong đó 80% là phụ nữ. Có 50 triệu người phụ thuộc ngành này. Ngành may mặc của Bangladesh chiếm gần 29% của GDP, là ngành chính của công nghiệp nước này.

Suốt 5 năm gần đây, các tổ chức lao động quốc tế và các nhóm quốc gia nhập khẩu đã kiểm tra tất cả các nhà máy may mặc và khắc phục chúng về an toàn xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Một số lượng lớn các nhà máy đã phải đóng cửa, một số đã phải chuyển đi và một số vẫn đang khắc phục. Có khoảng 1 tỷ đô la đã được các chủ sở hữu nhà máy đầu tư để đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn.

Sau từng ấy thời gian, theo Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ, Bangladesh là nơi có nhiều nhà máy may mặc thân thiện với môi trường nhất thế giới.

Các nhà máy sản xuất vải denim, hàng dệt kim, giặt và dệt “xanh” được đánh giá cao nhất thế giới đều ở Bangladesh.

Toàn ngành may mặc đang đẩy nhanh quá trình xanh hóa bằng việc thực hiện các sáng kiến bền vững. Bangladesh thành lập Hiệp hội Đối tác Dệt may Sạch hơn (PACT). Qua chương trình tổ chức tài nguyên may mặc lớn nhất thế giới, đến nay họ đã tổ chức được 465 nhà máy xanh hoá.

Nguồn : Kim Hạnh – Vietnamnet

Follow us to know more!!!

TIN TỨC ESG

Sign In

Register

Reset Password

Please enter your username or email address, you will receive a link to create a new password via email.