SMART ENERGY MANAGEMENT
NHỮNG THỬ THÁCH KHẨN CẤP CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
Theo Viện trưởng CIEM, ngoài việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, các KCN cần duy trì sự kết nối, tránh sao chép của nhau dẫn tới “cạnh tranh quá mức”, thay vì “hợp tác hiệu quả”.
Bàn về câu chuyện thúc đẩy kinh tế của 4 tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên tại Diễn đàn: “Khu công nghiệp (KCN) Trục cao tốc phía đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” diễn ra chiều 12/12, các đại biểu cho rằng việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được đánh giá còn khá bất định, phức tạp và khó lường do đó nhà đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thận trọng hơn trong quyết định lựa chọn đầu tư. Để thu hút được các FDI chất lượng, các khu công nghiệp, khu kinh tế bắt nhịp và thích ứng với các xu hướng đầu tư mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Tính đến nay, hệ thống các KCN đã thu hút được trên 10.400 dự án trong nước và trên 11.200 dự án có vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD.
Đồng thời, các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, trở thành “cứ điểm” sản xuất quan trọng của thế giới, sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Intel, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn,…
Kèm với đó là một loạt các nỗ lực đổi mới chính sách, gắn với tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với doanh nghiệp trong nước,…
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một yếu tố nổi lên mà nhiều quốc gia và nhà đầu tư quan tâm là khả năng chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài hơn, một phần nhờ những nỗ lực cải cách và điều hành kinh tế, các hiệp định thương mại tự do và hạ tầng công nghiệp phát triển hơn.
Điểm quan trọng là phải có cơ chế sàng lọc để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước có chất lượng. Ngược lại, các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông cũng phải sớm chuyển đổi, phát triển bền vững.
Bởi các việc thu hút đầu tư không thể dừng lại ở cam kết của lãnh đạo, các kế hoạch hành động, mà phải được hiện thực hóa ở từng doanh nghiệp, từng cơ sở công nghiệp. Sự phát triển của các khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, nhận thức được việc “xanh hóa” các đầu tàu sản xuất là các KCN trở thành yêu cầu tất yếu. Việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch hơn, tận dụng nguyên liệu đầu vào tốt hơn là những yếu tố rõ ràng nhất đối với các KCN được thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.
Ở một khía cạnh khác, các định chế tài chính cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển các khu công nghiệp. Dư nợ tín dụng cho khu chế xuất, khu công nghiệp tại thời điểm tháng 6/2024 đã tăng 9,47% so với cuối năm 2023.
Kể từ ngày 01/7/2024, hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp giảm từ 200% xuống 160%, qua đó khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực cho vay những dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.
Trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các KCN dọc 4 tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, tạo ra không gian phát triển rộng lớn, năng động với việc kết hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên trục, tối đa hóa năng suất của chuỗi cung ứng địa phương.
Vì vậy, các KCN dọc trục nên tận dụng lợi thế của nhau, tận dụng lợi thế của chuỗi kết nối giao thông quan trọng với một đầu là thủ đô Hà Nội và một đầu là cửa khẩu Móng Cái, giao thương với thị trường Trung Quốc. Điểm quan trọng là phải duy trì sự kết nối giữa các KCN này, tránh để các KCN lặp lại theo mô hình “sao chép” của nhau dẫn tới “cạnh tranh quá mức”, thay vì “hợp tác hiệu quả”.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, Quảng Ninh đang tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ các tập đoàn lớn, sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ cao nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang lại doanh thu xuất khẩu cao và cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận, tiêu biểu như: Chuỗi dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện, sản phẩm điện, điện tử của Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn TCL, Tập đoàn Jinko, Tập đoàn Autoliv, Tập đoàn Texhong tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Texhong – Hải Hà; Tổ hợp sản xuất ô tô của Tập đoàn Thành Công tại KCN Việt Hưng…
Các dự án này bước đầu hình thành các chuỗi ngành công nghiệp dệt may công nghệ cao; chuỗi ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; tổ hợp công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện ô tô trên địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh.
Ông nhấn mạnh, việc chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh, trong khi Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là một trung tâm sản xuất mới ở châu Á.
“Chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, tối ưu hóa chuỗi sản xuất và cung ứng là điều thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp”, ông Ấn nói.
Chỉ ra hướng phát triển cho các KCN, khu kinh tế, bà Minh nhấn mạnh các KCN phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp.
Thứ hai, các KCN ở trục cao tốc phía Đông phải vượt qua hình ảnh truyền thống về một địa điểm sản xuất tập trung, mà phải phát triển trở thành nơi làm việc lý tưởng của người lao động.
Đồng thời, cần cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hiệu quả của KCN không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước,… mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kế giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.
Tính chất “bền vững” của các KCN không chỉ được phản ánh ở khía cảnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải, mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích “lâu dài” giữa các doanh nghiệp trong KCN, bà Minh nhấn mạnh.
Source: Vietnambiz
EIP Vietnam thực hiện mục tiêu tư vấn chuyển đổi KCN Sinh Thái và NetZero Carbon, Energy và phát triển bền vững ESG ở Việt Nam bằng cách kết nối với nhiều tổ chức môi trường quốc tế uy tín, những người khởi xướng toàn cầu về tính bền vững, hành động vì khí hậu, hệ sinh thái xanh và năng lượng tái tạo. EIP Vietnam thực hiện tư vấn theo khung EIP của UNIDO, Worldbank, GIZ.