SMART ENERGY MANAGEMENT
NHỮNG THỬ THÁCH KHẨN CẤP CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
Sau gần 30 năm, đến nay các khu công nghiệp tại Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Song các khu công nghiệp lại chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc tăng trưởng xanh và bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Những yêu cầu về tăng trưởng xanh và bền vững đòi hỏi các khu công nghiệp sớm có những giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế các khu công nghiệp trên cả nước vẫn loay hoay chưa tìm ra lời giải nhằm cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội do còn nhiều vướng mắc.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Các khu công nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất, kinh doanh và là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước.
Khu công nghiệp xanh, sạch, sinh thái là xu thế tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên, tuần hoàn khi chất thải, phụ phẩm của một doanh nghiệp này sẽ phải là đầu vào cho một quá trình sản xuất của đơn vị khác.
Ðây là những yêu cầu bức thiết, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050, cũng như phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu nêu trên, Nhà nước và doanh nghiệp cần chung tay thực hiện, bởi hiện nay vấn đề về nguồn vốn, tài chính, các quy định… đang là những điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Ðỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ (Hải Phòng) Trần Thị Tố Loan cho biết, chi phí chính là khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững. Bởi ngay từ đầu, hai mô hình này đã có những điểm khác biệt từ cách tiếp cận, mục tiêu và tác động đến môi trường, cộng đồng xã hội khi một loại hình chỉ tập trung tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế với chi phí dành cho môi trường thấp, còn một loại hình được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Muốn thực hiện khu công nghiệp xanh, sinh thái và có tính bền vững đòi hỏi việc đầu tư phải đồng bộ ngay từ đầu với chi phí rất lớn. Nhưng hiện nay, các khu công nghiệp tại Việt Nam phần lớn đều được phát triển theo giai đoạn “cuốn chiếu” cho nên chưa thực sự thân thiện với môi trường, không tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu chưa hiệu quả.
Các điểm nghẽn pháp lý-các quy định chưa rõ ràng cũng khiến cho việc chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bà Loan nêu thí dụ: “Nghị định số 35/2022/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đưa ra chỉ tiêu có 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải thực hiện sản xuất sạch hơn, nhưng lại không cụ thể thế nào là sạch hơn, hay thế nào là sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Trong khi để đáp ứng quy định trên, bản thân khu công nghiệp và các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn tài chính rất lớn nhằm thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền, máy móc, thiết bị. Nếu không cụ thể hóa quy định thì rất khó khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi”.
Ðồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường đại học Luật Hà Nội) cho rằng, trong hệ thống pháp luật hiện hành dường như còn thiếu quy định, tiêu chí nhận diện và điều kiện cho việc chuyển đổi, phát triển khu công nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, có quá nhiều luật liên quan đến điều chỉnh hoạt động và quá trình chuyển đổi khu công nghiệp như: Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Ðất đai,… cũng khiến không ít doanh nghiệp “nản chí”.
Ưu tiên phát triển khu công nghiệp xanh, sinh thái
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho biết, xây dựng khu công nghiệp bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là giảm tác động môi trường; tiết kiệm năng lượng và nguồn lực; tăng cường đổi mới và sự hợp tác; nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu tại thời điểm hiện tại, đồng thời giảm nguy cơ rủi ro về pháp lý trong tương lai; tạo ra môi trường làm việc tốt hơn trong khu công nghiệp, cũng như mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng,… Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững khu công nghiệp còn rất yếu khi có tới 50% doanh nghiệp khu công nghiệp được hỏi cho biết chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp bền vững, sinh thái, 30% có nghe hiểu và 20% hiểu rõ. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu, sớm có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình. Ðối với doanh nghiệp, tuy đầu tư cho phát triển bền vững cần nguồn lực tài chính lớn, nhưng không thể vì thế mà đứng ngoài xu hướng. Với khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92.200 ha, Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái và bền vững.
Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh, sinh thái cũng giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, nhất là làn sóng FDI chất lượng cao. Do đó, trước mắt, các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp cần cập nhật thông tin, định hướng của Chính phủ để hiểu rõ lợi ích việc chuyển đổi mô hình nhằm chủ động xây dựng lộ trình và thực hiện giải pháp chuyển đổi, xây dựng mới khu công nghiệp xanh, sinh thái theo chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tập trung chuyển đổi các giải pháp sản xuất để tận dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; áp dụng những giải pháp về công nghệ ít carbon, ít sử dụng hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện hơn với môi trường để giảm chi phí vận hành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng cũng như các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh để phát triển khu công nghiệp xanh; đồng thời, tăng cường hợp tác với nhau nhằm tận dụng (dùng chung) các hệ thống hạ tầng sản xuất, tái sử dụng nguyên liệu sản xuất hoặc có thể kết hợp với doanh nghiệp thứ ba ở ngoài khu công nghiệp trong việc hiện thực hóa các kết nối cộng sinh công nghiệp. Nhà nước cần ban hành thêm chính sách ưu đãi, khuyến khích, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp.
PGS, TS Nguyễn Ðình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần lấp “lỗ hổng” về pháp lý, sớm gỡ bỏ các rào cản đối với quá trình chuyển đổi khu công nghiệp; trong đó, phải đưa ra những thể chế cụ thể để doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện và vận hành. Quan trọng hơn, Nhà nước cần bổ sung các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất từ “nâu” sang “xanh”,…
EIP Vietnam thực hiện mục tiêu tư vấn chuyển đổi KCN Sinh Thái và NetZero Carbon, Energy và phát triển bền vững ESG ở Việt Nam bằng cách kết nối với nhiều tổ chức môi trường quốc tế uy tín, những người khởi xướng toàn cầu về tính bền vững, hành động vì khí hậu, hệ sinh thái xanh và năng lượng tái tạo. EIP Vietnam thực hiện tư vấn theo khung EIP của UNIDO, Worldbank, GIZ.